Linux là gì?
Chim cánh cụt Tux - biểu tượng và là vật may mắn của Linux
Thực chất cái tên Linux chỉ là phần lõi nền tảng (kernel), giao diện đồ họa cùng các thành phần mềm hệ thống khác được phát triển riêng biệt từ nhiều dự án. Do đó, Linux có rất nhiều bản phân phối (distro) như: Ubuntu, Lubuntu, Linux Mint, Fedora…với nhiều ưu điểm khác nhau, đáp ứng nhiều đối tượng người dùng khác nhau.
Những yếu tố then chốt giúp Linux tồn tại và phát triển:
Bản quyền
Nếu không được tích hợp sẵn hệ điều hành bản Windows trên máy tính, bạn sẽ phải bỏ ra vài triệu tùy phiên bản để trải nghiệm Win bản quyền.
Linux chính là nền tảng mã nguồn mở và miễn phí. Bạn sẽ được hoàn toàn trải nghiệm hệ điều hành, bộ văn phòng Open Office, Libre Office…chuẩn, đảm bảo đươc nâng cấp và hỗ trợ tối đa trong quá trình sử dụng.
Virus
Không thành vấn đề với Linux. Đơn giản bởi mã nguồn của Linux được nhìn thấy công khai, tin tặc khó mà giấu những đoạn mã độc vào hệ điều hành này. Thêm nữa là Linux luôn luôn được phát triển bởi lập trình viên trên toàn thế giới, vì thế các lỗ hổng bảo mật cũng sẽ được vá lại với tốc độ thần thánh! Một lí do khách quan là Linux không nổi tiếng như Windows, do vậy thực tế tin tặc cũng không mấy để ý tới! Nếu thấy có virus trên Linux, bạn chỉ cần xóa chúng là xong.
Phân quyền truy cập nghiêm ngặt
Với Windows, chúng ta rất dễ truy cập vào vùng hệ thống vì thường sử dụng trực tiếp tài khoản Administrator. Kể cả khi không có tài khoản quản trị, nhiều công cụ như PC Hunter hay Power Tool vẫn cho phép ta truy cập vào những thư mục quan trọng. Và chỉ cần một cú nhấp chuột để xóa đi Windows, mật khẩu của Administrator cũng được reset dễ dàng.
Linux không như vậy! Hệ điều hành được sử dụng bằng tài khoản người dùng cơ bản (Standard User), ngoài ra có tài khoản khách (Guest) được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là với khu vực hệ thống. Sử dụng sudo và mật khẩu quản trị là con đường duy nhất truy cập vào hệ thống của Linux. Một số bản phân phối của Linux như Ubuntu thậm chí còn mặc định vô hiệu hóa tài khoản root.
Bảo vệ khỏi tệp thực thi không mong muốn
Bạn thường ngại cắm USB của người lạ vào máy, dễ hiểu bởi với Windows, khi click đúp vào ổ USB, malware (phần mềm độc hại) có thể tự chạy ngầm rất dễ dàng (autorun.inf). Điều này không tồn tại ở Linux. Một tập tin muốn được thực thi, chính tay bạn phải cho phép chúng, và bạn không thể cấp quyền thực thi cho một tệp tin bên ngoài hệ thống Linux.
Nhẹ
Linux vẫn chạy mượt mà trên những máy cấu hình yếu. Không những thế, hệ điều hành của bạn luôn được hỗ trợ, nâng cấp thường xuyên từ cộng đồng lập trình Linux. Rất tuyệt phải không?
Linh hoạt
Chỉ cần bạn có chút hiểu biết về lập trình, bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa hệ điều hành Linux của mình. Đương nhiên điều này là không được phép với Windows. Bởi Linux có sự tham gia phát triển của lập trình viên trên toàn thế giới, các bản phân phối của Linux sẽ rất phong phú, tương thích cho mọi môi trường và nhu câu người dùng đa dạng.
Nhắc đến Linux khó có thể bỏ qua Ubuntu – bản phân phối nổi tiếng nhất. Bạn sẽ bị hút hồn bởi giao diện đồ họa của Ubuntun cực đẹp và thân thiện. Bạn có thể trải nghiệm Ubuntu trên một số mẫu laptop của Dell: Vostro 3468, Latitude 3480...Cài đặt đơn giản cũng như có một cộng đồng hỗ trợ rất lớn, do vậy các phần mềm dành cho Ubuntu rất đa dạng, bạn có thể tìm những phần mềm phù hợp với mình trên kho của Ubuntu hay của bên thứ 3 được gọi là PPA. Google Chrome hay Skype cũng có phiên bản dành cho Ubuntu.
Hệ điều hành Ubuntu
Tuy nhiên nếu so với Windows, số lượng ứng dụng hỗ trợ trên Linux vẫn còn hạn chế. Thói quen dùng Windows cũng khiến nhiều người dùng bỏ qua Linux. Dù vậy, thành tích có được hôm nay của Linux cũng rất đáng khen ngợi và khích lệ.
Lời kết
Hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí, được hỗ trợ và phát triển bởi cộng đồng lập trình viên rộng lớn, quy định bảo mật nghiêm ngặt, các bản phân phối đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu. Với một hướng đi độc đáo, riêng biệt như vậy, Linux không những không bị Microsoft Windows “đè bẹp” mà còn nổi lên là một đối thủ mạnh mẽ. Nhiều công ty đã dựa trên sự linh hoạt tuyệt vời của Linux để xây dựng hệ điều hành của riêng mình. Linux là môi trường lý tưởng cho những lập trình viên học hỏi, phát triển cũng như là lựa chọn tuyệt vời cho người dùng khám phá, trải nghiệm.
Còn bạn thì sao?
Bài viết liên quan